Theo ITU, đến cuối 2015, toàn thế giới có khoảng 7,2 tỷ thuê bao di động. Các trạm thu phát sóng (BTS) ngày càng mọc lên dày đặc, nhất là tại các thành phố lớn. Chính vì vậy, ở nhiều nơi, các tổ chức và người dân đã có những phản ứng gay gắt do lo ngại ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, việc xây dựng và khai thác BTS của các nhà mạng cũng gặp một số khó khăn nhất định do tâm lý nói trên.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu và đánh giá của các tổ chức độc lập (không bao gồm hiệp hội các nhà sản xuất, khai thác và kinh doanh điện thoại di động) để đảm bảo tính khách quan thì WHO đã kết luận chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các BTS ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ con người. Điều này đạt được là nhờ áp dụng khuyến nghị của các tổ chức hữu quan, việc xây dựng và khai thác BTS luôn được ứng dụng những giải pháp công nghệ phủ sóng phù hợp. Tuy nhiên, WHO cũng khuyến nghị các nhà sản xuất và khai thác mạng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật; và tài liệu được WHO đề cập đến là Khuyến nghị của Tổ chức phòng chống bức xạ ion hoá (ICNIRP). Dựa vào đó, các nước như Mỹ, Nhật, Anh, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã áp dụng nghiêm túc.
Tại Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã xây dựng tiêu chuẩn ngành số TCVN 3718-1:2005 về “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3KHz đến 300GHz” theo các khuyến nghị trên.
Về mặt quy hoạch và xây dựng BTS, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 14/2013, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp, nhà khai thác sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí, đảm bảo mỹ quan và an toàn. Thực tế đo kiểm cho thấy, ở khoảng cách lớn hơn 30m tính từ trạm thu phát sóng tiêu chuẩn, bức xạ điện từ trường đều ở mức cho phép theo quy định tại TCVN 3718-1:2005 nên người dân và các tổ chức hết sức yên tâm khi “sống chung” với BTS.
Theo ICT Press.